Khánh thành cung Trúc Lâm hơn 6.000m² dịp tưởng niệm 715 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn - Khánh thành cung Trúc Lâm hơn 6.000m² dịp tưởng niệm 715 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn
- Trang thông tin điện tử Ban Tôn Giáo
- Xem chi tiết
- Khánh thành cung Trúc Lâm hơn 6.000m² dịp tưởng niệm 715 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn
Khánh thành cung Trúc Lâm hơn 6.000m² dịp tưởng niệm 715 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn
Cung Trúc Lâm có tổng mức đầu tư 250 tỉ đồng, rộng hơn 6.000m², có sức chứa 5.000 người vừa được khánh thành ngày 13-12, đúng dịp Đại lễ tưởng niệm 715 năm Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn (1308-2023).
Đại lễ tưởng niệm 715 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn - Ảnh: Nguyễn Tuấn Anh |
Đại lễ do Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh tổ chức long trọng tại cung Trúc Lâm được khánh thành cùng ngày.
Các chức sắc tôn giáo quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh và hàng ngàn tăng ni, phật tử khắp cả nước đã tụ hội về cung Trúc Lâm Yên Tử, cung kính tưởng niệm vị vua Phật của dân tộc Việt Nam.
Những người tham dự đại lễ cùng ôn lại cuộc đời, sự nghiệp trị nước an dân, sự nghiệp Hoằng dương Phật pháp sáng lập dòng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử của Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Hàng ngàn tăng ni, phật tử tham gia đại lễ kỷ niệm 715 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn - Ảnh: Nguyễn Tuấn Anh |
Phật hoàng Trần Nhân Tông - vị vua Phật sống mãi trong trang sử vàng son
Theo Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - phó chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông là vị hoàng đế anh hùng, người đã lãnh đạo quân dân Đại Việt hai lần đánh tan đế quốc Mông - Nguyên (1285 và 1288) mang lại độc lập hòa bình cho xứ sở.
Sau khi xây dựng quốc gia Đại Việt hùng cường, năm 1299, ngài đã về Yên Tử tu hành, sáng lập Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, lấy tư tưởng "Cư trần lạc đạo", "Hòa quang đồng trần" làm hệ tư tưởng của Phật giáo Việt Nam; trở thành phương châm "đạo pháp - dân tộc - chủ nghĩa xã hội" của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay.
Năm 1308 sau khi truyền trao ngôi vị lãnh đạo Giáo hội Trúc Lâm cho đệ nhị Tổ Pháp Loa Tôn Giả, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã lên am Ngọa Vân, núi Bảo Đài, Đông Triều, Quảng Ninh tu tập và giờ Tý ngày 1-11-1308, tại am Ngọa Vân, Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn.
Theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, "dù thời gian có đi qua 715 năm, không gian có biến dịch, song công đức, đạo nghiệp của Tổ Sư vẫn còn sống mãi trong trang sử vàng son của dân tộc, của Phật giáo Việt Nam trong sự nghiệp hộ quốc an dân, đoàn kết hòa hợp dân tộc…".
Khóa lễ dâng hương tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông - Ảnh: Nguyễn Tuấn Anh |
Cung Trúc Lâm đồ sộ do người Mỹ thiết kế
Báo cáo về công tác xây dựng cung Trúc Lâm, Hòa thượng Thích Thanh Quyết - phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, trụ trì chùa Yên Tử - cho biết cung có tổng mức đầu tư 250 tỉ đồng, hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa.
Cung Trúc Lâm Yên Tử được xây dựng tại bến xe Giải Oan cũ thuộc xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, công trình được kiến trúc sư Bill Bensley (người Mỹ) thiết kế.
Không gian bề thế của cung Trúc Lâm - Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn |
Đây là công trình đồ sộ nhất trong tổng thể trung tâm văn hóa Trúc Lâm Yên Tử, với tổng diện tích xây dựng giai đoạn 1 hơn 6.000m2, sức chứa 5.000 người, được xây dựng bằng chất liệu bê tông kiên cố, phần thờ tự và nội thất bằng chất liệu gỗ sơn son thếp vàng do nghệ nhân các làng nghề truyền thống thực hiện.
Tuy do người Mỹ thiết kế nhưng cung có kiến trúc hài hòa với quần thể trung tâm văn hóa lễ hội Trúc Lâm và quần thể di tích danh thắng Yên Tử. Công trình sẽ được sử dụng làm nơi tổ chức các sự kiện tưởng niệm, lễ hội, hội thảo và các hoạt động văn hóa Phật giáo.
Hòa thượng Thích Thanh Quyết cũng cho biết công trình có thế phong thủy hiếm có: tựa lưng vào dãy núi Yên Tử có chùa Hoa Yên, Tháp Tổ, chùa Đồng; mặt hướng khê giao, thủy tụ; lại có núi bình phong trước mặt làm tiền án, hai bên có tả thanh long hữu bạch hổ.