title

Văn học Nghệ thuật TPHCM: 60 năm xây dựng và phát triển Những bước đi xứng tầm
Thứ tư, 06/12/2023, 03:15 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

Văn học Nghệ thuật TPHCM: 60 năm xây dựng và phát triển Những bước đi xứng tầm

Trong chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển của Liên hiệp, nhiều văn nghệ sĩ TPHCM đã đóng góp không chỉ trí tuệ, tài năng, nhiệt huyết mà bằng cả tính mệnh của mình cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước...

Ngày 5-12, Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật TPHCM (Liên hiệp) đã tổ chức hội thảo chuyên đề “Văn học, Nghệ thuật TPHCM: 60 năm xây dựng và phát triển”, nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Liên hiệp (1963-2023). Đây là dịp để văn nghệ sĩ TPHCM và công chúng có dịp nhìn lại chặng đường 60 năm qua của văn học nghệ thuật (VHNT) TPHCM, đồng thời có những kiến nghị cho chặng đường sắp tới.

Nơi “đất lành chim đậu”

Tháng 12-1963, Hội Văn nghệ Giải phóng Đặc khu Sài Gòn - Gia Định được thành lập. Sau 30-4-1975, hội đổi tên thành Hội Văn nghệ Giải phóng TPHCM, đến năm 1985 tiếp tục được đổi tên thành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật TPHCM và chính thức mang tên Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật TPHCM từ năm 2001 đến nay. Hiện tại, Liên hiệp đang có 9 hội thành viên, gồm: Hội Nhà văn, Hội Âm nhạc, Hội Sân khấu, Hội Mỹ thuật, Hội Điện ảnh, Hội Nhiếp ảnh, Hội Kiến trúc sư, Hội Nghệ sĩ múa và Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số thành phố, với trên 5.000 hội viên.

Theo nghệ sĩ Lê Nguyên Hiều, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa TPHCM, Sài Gòn - TPHCM là nơi “đất lành chim đậu”, khi có sự hội tụ, giao thoa của nhiều dòng chảy văn hóa như: Chăm, Khmer, Hoa, Ấn… và sau này là văn hóa Âu, Mỹ... “VHNT TPHCM gần như có đủ các đặc tính văn hóa của mọi miền đất nước nhưng lại đa dạng hơn, hiện đại hơn và mang tính hướng ngoại, cởi mở, hào sảng”, TS Lê Nguyên Hiều đúc kết.

Quang cảnh hội thảo VHNT TPHCM 60 năm xây dựng và phát triển

Trong chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển của Liên hiệp, nhiều văn nghệ sĩ TPHCM đã đóng góp không chỉ trí tuệ, tài năng, nhiệt huyết mà bằng cả tính mệnh của mình cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, như các soạn giả Trần Hữu Trang, Nguyễn Ngọc Cung, Phong Anh, Phạm Trần, nghệ sĩ Bảy Lương, nhạc sĩ Hoàng Việt, nhà văn Nguyễn Thi, nhà thơ Lê Anh Xuân, nhà thơ Trần Quang Long…

Dù chưa có một công trình thống kê chính xác về số lượng các tác phẩm mà đội ngũ văn nghệ sĩ TPHCM liên tục sáng tạo trong suốt 60 năm qua, nhưng có một điều chắc chắn, những tác phẩm này đã luôn đồng hành cùng lịch sử phát triển của TPHCM nói riêng, của cả nước nói chung. Điển hình như trong lĩnh vực điện ảnh, dù trong điều kiện khó khăn và khắc nghiệt, nhưng các văn nghệ sĩ vẫn miệt mài sáng tạo và cống hiến, cho ra đời những bộ phim thời sự, tài liệu chiến trường như Chiến thắng Tây Ninh, Đồng Xoài rực lửa, Du kích Củ Chi, Đội nữ pháo binh Long An… hay những bộ phim điện ảnh được xem là kinh điển của Việt Nam như Chị Tư Hậu, Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng, Ván bài lật ngửa, Hòn Đất

Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, chia sẻ: “Giá trị của những tác phẩm vô giá đó giúp cho các thế hệ sáng tạo đương thời và công chúng thưởng ngoạn VHNT không chỉ thưởng thức, tìm hiểu, nghiên cứu, học tập ở chính tác phẩm, mà còn ở cốt cách của những con người trực tiếp làm nên tác phẩm có sức sống bền bỉ với thời gian và trở thành tài sản tinh thần của dân tộc”.

Ngày 5-12, tại sảnh Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật TPHCM (81 Trần Quốc Thảo, quận 3) diễn ra lễ khai mạc triển lãm ảnh, tập hợp gần 500 bức ảnh với 4 chủ đề chính: các thế hệ lãnh đạo Liên hiệp và lãnh đạo các hội qua các thời kỳ; các văn nghệ sĩ TPHCM đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước; hoạt động của Liên hiệp trong suốt 60 năm qua; những tác phẩm, công trình nghệ thuật tiêu biểu của văn nghệ sĩ TPHCM. Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 17-12.

 

Chiến sĩ trên mặt trận văn hóa

Không chỉ nhìn lại những thành tựu mà thế hệ văn nghệ sĩ đi trước của TPHCM đã làm, hội thảo còn là dịp thế hệ văn nghệ sĩ hôm nay cùng trao đổi và đưa ra những kiến nghị, góp phần đưa VHNT của TPHCM tiếp tục có những bước đi xứng tầm.

Nhà văn Lại Văn Long, tác giả bộ tiểu thuyết Hồ sơ lửa (Giải thưởng Sáng tạo TPHCM năm 2023), đặt ra vấn đề về tính chiến đấu của văn nghệ sĩ TPHCM trong 60 năm qua. Theo ông, trong bối cảnh chiến tranh, tính chiến đấu đã thể hiện rất rõ ràng. Sau năm 1975, tính chiến đấu của nghệ sĩ, nhà văn thể hiện ở việc đấu tranh với tàn dư của chế độ cũ, đồng thời cổ vũ cho đời sống mới, tư tưởng mới trong chế độ cách mạng. Hiện nay, một số hội đã tổ chức cho hội viên đi thực tế ở biên giới, hải đảo để có thêm tư liệu, tạo cảm xúc và sáng tác về hình tượng các cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ biên giới, hải đảo. Đây có thể xem là cách thể hiện tính chiến đấu của VHNT thành phố.

“Tuy nhiên, tính chiến đấu mà Liên hiệp nói chung và các hội chuyên ngành sẽ định hướng cho các hội viên sắp tới như thế nào? Đây đang là một thực tế rất cần được chúng ta quan tâm”, nhà văn Lại Văn Long bày tỏ.

Nhà văn Trầm Hương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, đề xuất, cần tăng cường đưa những tác phẩm có giá trị đến với công chúng trẻ: “Nên chăng, chúng ta hãy số hóa các tác phẩm của các văn nghệ sĩ đã hy sinh, làm sao để các tác phẩm của họ được lan tỏa sâu rộng trong công chúng. Từ đó, những tác phẩm, những nghệ sĩ - chiến sĩ mãi mãi sẽ không bị lãng quên”.

Từ kinh nghiệm của mình, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Quốc Dũng, Trưởng Ban Lý luận phê bình - Hội Nhiếp ảnh TPHCM, đặt ra vấn đề mang tính cấp thiết, đó là Liên hiệp và các hội chuyên ngành phải lưu tâm, đưa quy trình bảo quản, lưu trữ vào điều lệ phát triển của hội. “Chúng ta cần xem đó là vấn đề bắt buộc phải làm, không phải vấn đề tùy hứng, thích thì làm, không thích thì nghỉ. Điều này rất quan trọng, để chúng ta có căn cứ lịch sử, có căn cứ khoa học trong vấn đề nghiên cứu và bảo tồn, và từ đó có có sở xây dựng cho tương lai”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Quốc Dũng bức xúc.

https://www.sggp.org.vn/van-hoc-nghe-thuat-tphcm-60-nam-xay-dung-va-phat-trien-nhung-buoc-di-xung-tam-post717118.html

HỒ SƠN

 

Số lượng lượt xem: 1099