GIỚI THIỆU BAN TÔN GIÁO

Với chức năng và nhiệm vụ chính là tham mưu cho Đảng và Nhà nước các chủ trương, chính sách về tôn giáo, thực hiện quản lý Nhà nước đối với các họat động tôn giáo theo hiến pháp, pháp luật; là đầu mối liên hệ với các tổ chức tôn giáo, động viên các chức sắc, nhà tu hành và đồng bào tín đồ các tôn giáo tham gia công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trải qua nhiều thăng trầm và giai đoạn lịch sử Cách mạng, hệ thống tổ chức, bộ máy của ngành quản lý Nhà nước về tôn giáo từ Trung ương đến địa phương cũng dần dần được củng cố và kiện toàn, đem lại những đóng góp tích cực, góp phần quan trọng vào việc duy trì ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Một nguồn cỗ vũ lớn lao cho đội ngũ những người làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, vào ngày 27 tháng 5 năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 445/2005/QĐ-TTg lấy ngày 02 tháng 8 hàng năm là Ngày truyền thống Ngành quản lý Nhà nước về tôn giáo. Đây là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước về những cố gắng, nỗ lực và sự đóng góp to lớn của Ngành quản lý Nhà nước về tôn giáo, cũng như một lần nữa để khẳng định vai trò, vị trí của Ngành quản lý nhà nước về tôn giáo là một bộ phận trong hệ thống các Ngành quản lý nhà nước của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh, do đặc điểm, điều kiện lịch sử, sự hình thành và phát triển của Ngành quản lý Nhà nước về tôn giáo tuy trải qua những giai đoạn khác nhau nhưng cơ bản phù hợp với hoàn cảnh chung của đất nước, thấu triệt những chủ trương, chính sách và nhiệm vụ công tác tôn giáo do Trung ương đề ra.

Ngay sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, đất nước hoàn toàn giải phóng tổ chức bộ máy quản lý Xã hội là nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước đưa lên hàng đầu, theo đó công tác tôn giáo được hình thành

I. Vị trí và chức năng
  1. Ban Tôn giáo là tổ chức trực thuộc Sở Nội vụ, giúp Giám đốc Sở Nội vụ tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực tôn giáo.
  2. Ban Tôn giáo chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và hoạt động của Sở Nội vụ; đồng thời chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Ban Tôn giáo Chính phủ trực thuộc Bộ Nội vụ.
  3. Ban Tôn giáo (tương đương chi cục) có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, có trụ sở, biên chế, kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước cấp theo quy định của pháp luật.
II. Nhiệm vụ và quyền hạn

Giúp Giám đốc Sở Nội vụ thực hiện các nhiệm vụ sau:

  1. Xây dựng trình cấp có thẩm quyền các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực tôn giáo.
  2. Xây dựng trình Giám đốc Sở Nội vụ ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành chương trình, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, năm năm và hàng năm về lĩnh vực tôn giáo.
  3. Thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chương trình, quy hoạch, kế hoạch dài hạn năm năm và hàng năm về lĩnh vực tôn giáo sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
  4. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo đối với cán bộ, công chức, viên chức và tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, nhân sỹ các tôn giáo trong phạm vi quản lý của tỉnh.
  5. Giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền giải quyết những vấn đề cụ thể về tôn giáo theo quy định của pháp luật. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho Sở Nội vụ trình Ủy ban nhân dân giải quyết những vấn đề phát sinh trong tôn giáo; là đầu mối liên hệ giữa chính quyền địa phương với các tổ chức tôn giáo.
  6. Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực tôn giáo theo quy định của pháp luật.
  7. Thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác tôn giáo cho công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của Ban.
  8. Thực hiện việc áp dụng chính sách đãi ngộ đối với những tổ chức, cá nhân tôn giáo.
  9. Thực hiện việc nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực tôn giáo, tổng kết thực tiễn, cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng và thực hiện các chủ trương chính sách đối với tôn giáo.
  10. Tham gia quản lý các khu di tích, danh lam, thắng cảnh có liên quan đến tôn giáo.
  11. Hướng dẫn tổ chức làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo thuộc Phòng Nội vụ cấp huyện giải quyết những vấn đề cụ thể về tôn giáo theo quy định của pháp luật.
  12. Quản lý về tổ chức, biên chế, tài chính, tài sản, cán bộ, công chức thuộc Ban theo phân cấp của Giám đốc Sở Nội vụ và theo quy định của pháp luật.
  13. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở Nội vụ hoặc cơ quan có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật.

Từ ngày thành lập đến nay, trên cơ sở thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, hoạt động của Ngành quản lý Nhà nước về tôn giáo có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Chính quyền các cấp, các ngành chức năng, đặc biệt là Ban Tôn giáo thành phố đã tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tôn giáo hoạt động theo đúng Hiến chương, Điều lệ của Giáo hội và quy định của pháp luật; làm cho các vị chức sắc, đồng bào các tôn giáo phấn khởi, tin tưởng và tạo điều kiện  để họ tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển của thành phố, thực hiện tốt các chủ trương chính sách về tôn giáo và hoạt động tôn giáo trên địa bàn, gắn hoạt động các tôn giáo vào các phong trào hành động cách mạng tại địa phương, bám sát những chức năng và nhiệm vụ của Ngành, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, và các cấp chính quyền địa phương trong công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, hoạt động của Ngành quản lý Nhà nước về tôn giáo trên địa bàn, luôn được sự đồng tình, ủng hộ của các vị chức sắc và đồng bào có đạo, góp phần giữ vững an ninh chính trị tại thành phố trong thời gian qua.

Trong những năm qua, Ban Tôn giáo thành phố luôn luôn nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn được giao, nhất là về công tác hướng dẫn, quản lý các hoạt động tôn giáo diễn ra trên địa bàn, thực hiện theo chương trình đăng ký, nội dung thuần túy tôn giáo và chấp hành các quy định pháp luật về tôn giáo.

Bên cạnh đó, Ban Tôn giáo thành phố luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn giáo đến cán bộ, công chức các ban ngành, Mặt trận các đoàn thể địa phương cũng như chức sắc, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn thành phố.

Trong những năm qua, bằng những đóng góp tích cực và hiệu quả cho sự phát triển của Ngành quản lý Nhà nước về tôn giáo, Tập thể Ban Tôn giáo Thành phố vinh dự được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2006) và Huân chương Lao động hạnh Nhì (năm 2013), được Ban Tôn giáo Chính phủ cờ thi đua cho đơn vị Xuất sắc nhiều năm liền (từ năm 2000 đến năm 2008) và nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ và Ủy ban nhân dân thành phố. Đó không chỉ là sự ghi nhận cho những cố gắng, nổ lực không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ được phân công làm nhiệm vụ trong Ngành quản lý Nhà nước về tôn giáo, mà cũng chính là những minh chứng cụ thể, thêm một lần nữa khẳng định vị trí và vai trò to lớn của Ngành quản lý Nhà nước về tôn giáo góp phần trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.

Chúng tôi nguyện tiếp bước các thế hệ đi trước, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của ngành Quản lý Nhà nước về tôn giáo, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa, thực hiện thắng lợi mục tiêu: “Dân giàu, Nước mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh”./.